Vì sao Bộ Chính trị cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc?

Sau ông Vương Đình Huệ, ông Nguyễn Xuân Phúc là "Tứ Trụ" thứ hai bị kỷ luật cảnh cáo sau khi đã mất chức.

Diễn biến này xảy ra khi ngày 13/12/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.

Bên cạnh ông Phúc, hai cựu ủy viên Bộ Chính trị khác là ông Trương Hòa Bình và bà Trương Thị Mai cũng bị Đảng kỷ luật. Theo đó, ông Phúc và ông Bình nhận mức cảnh cáo, bà Mai nhận mức khiển trách.

Cụ thể, theo tường thuật của VOV, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị nhận thấy:

"Ông Nguyễn Xuân Phúc, trong thời gian giữ chức vụ Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban cán sự đảng, Thủ tướng Chính phủ đã vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.

Vì thế, Bộ Chính trị quyết định kỷ luật Cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc.

Thông thường, việc các lãnh đạo cấp cao bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật sẽ được thông báo trước, sau đó Bộ Chính trị sẽ có thời gian quyết định hình thức kỷ luật.

Theo Quy định số 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị có thẩm quyền thi hành kỷ luật khiển trách, cảnh cáo ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, kể cả kỷ luật ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư.

Còn vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật cách chức hoặc khai trừ thì thẩm quyền thuộc về Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị có nhiệm vụ báo cáo để Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định.

Nhưng đối với trường hợp của ông Phúc, việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, kỷ luật đã không được đưa tin cho đến khi Bộ Chính trị ra hình thức kỷ luật.

Với thông báo mới nhất này, ông Nguyễn Xuân Phúc trở thành nhân vật thứ hai trong "lãnh đạo chủ chốt", một cách gọi khác của Tứ Trụ, sau ông Vương Đình Huệ, bị kỷ luật cảnh cáo sau khi đã mất chức.

Dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những nhân vật trong Tứ Trụ dù mắc khuyết điểm nhưng vẫn được mở "đường lui" bằng việc chủ động nhận trách nhiệm và xin thôi chức.

Quy trình này thường được gọi là "hạ cánh an toàn", "rút lui trong danh dự" và đã được chính ông Trọng diễn giải trong một cuộc tiếp xúc cử tri ở Hà Nôi vào tháng 5/2023.

Tuy nhiên, dưới thời Tổng Bí thư Tô Lâm, mọi chuyện dường như đổi khác. Trong cuộc tiếp xúc cử tri ở Hà Nội ngày 5/12, ông Tô Lâm nói rằng lần đầu tiên, Bộ Chính trị xử lý kỷ luật cảnh cáo đối với "lãnh đạo chủ chốt" của Đảng.

Lãnh đạo chủ chốt theo ngôn ngữ của Đảng ý nói đến bốn nhân vật "Tứ Trụ" và ở đây ông Tô Lâm đang đề cập đến cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và "không có gì dừng lại mà phải tiếp tục".

Một lãnh đạo chủ chốt khác cùng đợt với ông Huệ là ông Võ Văn Thưởng, cựu Chủ tịch nước, lẽ ra cũng chịu kỷ luật, tuy nhiên do đang thời gian điều trị bệnh nên Bộ Chính trị chưa quyết định hình thức kỷ luật.

Lần này, việc kỷ luật ông Nguyễn Xuân Phúc đã minh chứng cho câu nói của Tô Lâm. Như vậy, rõ ràng vị tân Tổng bí thư đã có cách xử lý mạnh tay hơn người tiền nhiệm của mình đối với những lãnh đạo, kể cả nhóm "Tứ Trụ".

Ông Nguyễn Xuân Phúc vi phạm gì?

Theo thông báo của Đảng, vi phạm của ông Nguyễn Xuân Phúc xảy ra trong thời gian giữ chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban cán sự đảng, Thủ tướng Chính phủ và có liên quan đến chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ông Nguyễn Xuân Phúc được dư luận nhắc tên khi cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - người bị đề nghị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" - có lời khai trong quá trình điều tra vụ án tại Công ty Sài Gòn Đại Ninh.

Khi đó, kết luận điều tra được báo Người Lao Động dẫn lại cho biết, vào ngày 16/1/2021, ông Nguyễn Cao Trí hẹn gặp ông Mai Tiến Dũng ăn sáng tại Nhà khách 35 Hùng Vương (Hà Nội). Tại cuộc gặp, ông Trí cho biết đã được ông Trần Văn Minh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, hướng dẫn tiếp tục gửi đơn.

Theo kết luận điều tra, tại thời điểm này, ông Mai Tiến Dũng cũng nhận được ý kiến của "cấp trên" chỉ đạo quan tâm, giúp đỡ ông Trí nên ông Dũng bút phê 2 lần vào đơn với nội dung "chuyển Vụ I" và sau đó là "chuyển Vụ I (giải quyết sớm)".

Ông Mai Tiến Dũng được xác định là đã nhận 200 triệu đồng tiền "cảm ơn".

Câu hỏi đặt ra là "cấp trên" của ông Mai Tiến Dũng vào thời điểm đó là ai?

Ông Mai Tiến Dũng là ủy viên Trung ương Đảng hai khóa 11 và 12 (từ năm 2011-năm 2021), là bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ từ tháng 4/2016 đến tháng 4/2021.

Thời điểm đầu năm 2021, ông là bộ trưởng trong chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Ông Nguyễn Xuân Phúc từng biện minh về sự dính líu của gia đình ông trong Đại án Việt Á, một chi tiết mà sau đó báo chí do nhà nước quản lý đã gỡ bỏ.

Cụ thể, vào ngày 4/2/2023, tại lễ bàn giao công tác trước khi rời cương vị, ông Phúc đã được báo chí dẫn lời "xin nói thêm một ý về vụ Việt Á":

"Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp giám đốc Việt Á, điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng."

Tuy nhiên, lời thanh minh hiếm hoi của một trong những Tứ Trụ đã bị báo chí đồng loạt gỡ bỏ sau đó.

Hiện tại ông Phúc bị Bộ Chính trị cảnh cáo nhưng không rõ là ông chịu trách nhiệm về vụ việc gì nhưng trong giai đoạn ông làm thủ tướng, ông đã ban hành một số chính sách gây tranh cãi, chẳng hạn như Zero Covid.

Thời điểm ông Phúc rời nhiệm sở vào đầu năm 2023, đã có nhiều ý kiến cho rằng nên minh bạch lý do ông Phúc thôi chức.

Theo BBC Tiếng Việt

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Phu nhân Tô Lâm là ai, Tô Lâm có mấy đời vợ?

Đồng chí hộ pháp công an Đoàn Văn Báu là ai?

Bộ quốc phòng điều tra em ruột Tô Lâm sau cuộc lật đổ Huệ và Thưởng của Bộ Công An

Tính toán sai lầm của Tô Lâm khi ban hành nghị định 168

Tô Lâm ăn thịt bò dát vàng của thánh rắc muối Salt Bae London Anh