Tô Lâm thâu tóm quyền lực bằng chiêu bài 'tinh gọn bộ máy'
Chính sách tinh giản biên chế là một mũi tên bắn trúng 2 mục đích mà Tổng bí thư Tô Lâm nhắm đến.
Đích thứ nhất là lấy lòng dư luận, bởi bao lâu nay, người dân đã chán ngán bộ máy cồng kềnh, ngốn nhiều ngân sách, nhưng làm việc không hiệu quả.
Đích thứ 2 là nhắm vào đối thủ, bởi Tô Lâm hô hào tinh giảm hầu hết các ban ngành, trừ Bộ Công an. Ngay cả Ban Bí thư – nơi được xem là “nhà” của Tổng Bí thư, cũng bị Tô Lâm cho tinh gọn một cách mạnh mẽ.
Bộ Công an là nơi Tô Lâm đã làm chủ, và xây dựng suốt 8 năm ròng rã. Tại đây, gần như không còn nhóm nào có thể phát triển, mà đứng ngoài hệ sinh thái quyền lực của Tô Lâm. Cũng còn đó những nhân tố không thuộc hệ thống quyền lực của ông. Tuy nhiên, họ đã bị khống chế và vô hiệu hoá hoàn toàn. Ví dụ như Tướng Trần Quốc Tỏ.
Trong khi đó, tại Ban Bí thư, dấu ấn của Tô Lâm chưa sâu đậm. Phần lớn nhân sự trong cơ quan này, vẫn là người của ông Trọng cài cắm lại. Cho nên, việc tinh giản bộ máy là cách thanh lọc những tàn dư của ông Trọng một cách nhanh nhất. Có lẽ, phải mất nhiều năm mới có thể thanh lọc hết.
Ngoài ra, các cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương cũng bị Tô Lâm cho thanh lọc mạnh mẽ. Được biết, địa phương là nơi ươm mầm nhân sự cho các phe phái ở Trung ương. Thanh lọc ngay từ địa phương, chính là cách “diệt cỏ ngay khi nó nảy mầm”, đỡ phải vất vả chống đỡ về sau.
Như vậy, với chính sách tinh gọn này của Tổng Bí thư Tô Lâm, các phe phái khác đã và đang bị tổn thương nghiêm trọng. Quyền lợi của họ bị đe dọa, quyền lực bị suy yếu.
Vì sao Tô Lâm phải tung ra chiến dịch tinh gọn bộ máy?
Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan Đảng đang khẩn trương triển khai chiến dịch được ví như "cuộc cách mạng" tinh gọn bộ máy chính trị, dưới sự dẫn dắt của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, thạc sĩ Chính sách công, từ Canada, cho tờ RFA biết, sở dĩ ông Tô Lâm phải gấp rút thực hiện cải tổ bộ máy chính trị vì vị trí của ông hiện vẫn chưa thực sự vững chắc trong nội bộ đảng, do ông chỉ là Tổng bí thư được chọn giữa nhiệm kỳ chứ không phải được bầu lên trong một Đại hội đảng chính thức:
“Việc mà ông Tô Lâm không giữ được ghế chủ tịch nước cũng cho thấy đó là một sự phản ứng của các phe phái và cho thấy được là thế đứng của ông Tô Lâm vẫn chưa thực vững chắc.
Khi thế đứng của mình chưa vững thì mình phải tái phối trí lại để cho thế đứng của mình vững hơn và tạo được một cái cớ để có thể được tiếp tục cầm cương chương trình mà mình đã đưa ra để có thể nắm quyền một cách lâu dài. Khoảng thời gian tới đây sẽ là một khoảng thời gian thử thách đối với ông Tô Lâm.”
Cải tổ hay củng cố quyền lực?
Tại sao việc tinh gọn bộ máy chính trị đã được nhắc đến từ lâu, nhưng đến thời Tổng Bí thư Tô Lâm mới đẩy mạnh thực hiện?
Giáo sư Nguyễn Văn Chữ, người nghiên cứu tình hình chính trị Việt Nam, nhận định rằng nếu Tô Lâm thành công trong việc cải tổ bộ máy chính trị thì đây sẽ là “một mũi tên trúng hai đích”.
Bề ngoài, Tô Lâm muốn thể hiện cho người dân thấy ông thấu hiểu nỗi khổ “một cổ hai tròng” vừa nuôi bộ máy hành chính vừa gánh cả bộ máy tổ chức Đảng. Đồng thời ông cũng muốn trấn an các nhà đầu tư nước ngoài vốn e ngại trước một rừng thủ tụng rườm rà của Việt Nam.
Mặt khác, giáo sư Chữ cho rằng tái cấu trúc cũng là cơ hội để các phe phái chính trị tái bố trí nhân sự theo hướng có lợi cho họ.
Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng người lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đang tập trung củng cố quyền lực cá nhân. Có thể ông Tô Lâm dùng việc tinh gọn bộ máy để loại bỏ các phe đối lập trong đảng, giống như cách tiếp cận với vấn đề chống tham nhũng của người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng:
“Với những chương trình gọi là chiến dịch gọi như thế này thì thông thường mục tiêu chính trị nó sẽ là tương tự nhau. Với ông Tô Lâm thì có thể là nó còn thúc bách hơn. Ổng cần phải làm việc này nhanh chóng để có thể củng cố được nền tảng chính trị của mình ở trong đảng để nắm quyền lâu dài.”
Cuối cùng, ông Tuấn vẫn cho rằng Tô Lâm sẽ giải quyết được hết tất cả thách thức hiện có để dọn đường ở lại nắm quyền lâu dài. Bởi, di sản mà người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng để lại cho Tô Lâm là một chiếc ghế Tổng bí thư với quyền lực gần như là tuyệt đối:
“Vì vậy cho nên bây giờ ông Tô Lâm rất có lợi thế. Nếu mà ông ấy giữ được cái vị trí này cho tới kỳ đại hội sắp tới đây thì khả năng mà ổng có thể thành công vượt qua được những trở ngại, thách thức từ các phe phái đối lập với công cụ tái cấu trúc hệ thống chính trị này của ổng là khả năng cao.”
Theo RFA và Thoibao/Lê Trung Khoa
Nhận xét
Đăng nhận xét