Tô Lâm sắp lại ván bài nhân sự cấp cao của Nguyễn Phú Trọng

Phải chăng nụ cười bí hiểm của "người tử tế" Nguyễn Tấn Dũng trong đám tang Tổng Trọng đã có lời giải đáp? "Đèn đom đóm" mất suất kế vị, hạ cánh không an toàn. "Thể cá tra", "Cường chân vịt" vừa được cho thôi chức vụ, nguy cơ tù tội rập rình. Thường trực Ban Bí Thư Đinh Thế Huynh sau bảy năm vắng bóng trị bệnh bí ẩn đã tái xuất hiện phong độ ngời ngời. Tô Tổng xóa bài, đảo ngược chiều những quân cờ chiến lược của Tổng Trọng. Hóa ra bàn tay người "đốt lò" cũng bê bết bụi than và cả mùi tử khí.

Trung ương đảng vừa biểu quyết cho thôi giữ chức hai ủy viên nhem nhuốc Nguyễn Văn Thể, xú danh "Thể Cá Tra", và Bùi Văn Cường, xú danh "Cường Chân Vịt". Chỉ với hai cái tên đầy miệt thị ấy, đủ thấy lòng dân ác cảm với tội ác của họ ra sao.

Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông Vận tải, lừng lẫy tiếng tăm cấp phép và bảo kê BOT bẩn tràn lan, và đẻ ra chiêu trò lộ liễu đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá, mở đường cho các doanh nghiệp tự tung tự tác định giá thu phí cầu đường. Bị dư luận xã hội và cả đại biểu Quốc hội chất vấn, phản đối, Thể cố gắng ngụy biện, đổ trách nhiệm cho Tổng cục Đường bộ ra công văn yêu cầu các nhà đầu tư, các chủ dự án, Tổng công ty thực hiện thay thế biển hiệu "Trạm thu phí" thành "Trạm thu giá", đồng thời đôn đốc các Cục Đường bộ kiểm tra, giám sát.

Với từng ấy tội ác, bị cả nước nguyền rủa, lẽ ra Thể phải bị cách chức, khởi tố. Thế nhưng, đến khóa 13, Thể vẫn được Tổng Trọng cho tái nhiệm Trung ương và Bộ trưởng Giao thông Vận tải. Sau đó, Bộ Chính trị quyết định điều động, phân công đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, thôi giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, để chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, nhiệm kỳ 2020-2025.

Mất quyền lực và nguồn tiền khổng lồ từ ngành giao thông và BOT bẩn, nhưng chức vụ mới của Thể có vai trò bao trùm các cơ quan trung ương và chừng như an toàn trong vòng tội lỗi. Là Tổng Bí thư, trưởng ban nhân sự Đại hội 13, Tổng Trọng quả là bao che trắng trợn cho Thể.

Trường hợp Chánh Văn phòng kiêm Tổng thư ký Quốc hội, xú danh "Cường Chân Vịt", bắt đầu từ việc bị tố đạo văn luận văn tiến sĩ đề tài sự vận hành của cái chân vịt trong luồng lạch Hải Phòng trong lúc đang là Bí thư Đắk Lắk. Nội dung tố cáo thuộc về học thuật, lẽ ra phải để các cơ quan khoa học thẩm định, xác minh. Nhưng đơn của Cường lại được Ủy ban Kiểm tra của Đảng thụ lý, kết luận với lập luận có sao chép nhưng tỷ lệ thấp nên không phải đạo văn. Kết quả là hai thầy giáo tố cáo phải đi tù, trong đó có người bị bắt như kiểu bắt cóc của xã hội đen. Cường Chân Vịt tiếp tục đàng hoàng thăng tiến được cơ cấu làm Tổng Thư ký Quốc hội.

Thể và Cường cùng bị cho về vườn vì những sai phạm liên quan trong vụ án Thuận An. Nhưng bề dày thành tích gian tham trước đó người dân vẫn nhớ. Hạ cánh liệu có an toàn? Rõ ràng là theo chân Vương Đình Huệ, người kế vị ngai vàng của Tổng Trọng, Thể Cá Tra, Cường Chân Vịt từng được lên voi giờ đã đến hồi xuống chó.

Trước đó, sau bảy năm vắng mặt trên chính trường một cách bất ngờ, bí ẩn, ngày 22-11, cũng hoàn toàn bất ngờ, bí ẩn, ông Đinh Thế Huynh bỗng nhiên xuất hiện tại Văn phòng Trung ương Đảng nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Bất ngờ bí ẩn là sao? Năm 2017, ông Huynh đang ở đỉnh cao quyền lực là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khóa XII, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, là người miền Bắc có lý luận, xuất thân từ báo Đảng, được Tổng Trọng lựa chọn cất nhắc, chắc chắn là người kế vị ngai vàng Tổng Bí thư. Thế mà ông Đinh Thế Huynh bỗng nhiên biến mất không một lý do. Nhiều hội nghị trung ương, ghế của ông bên cạnh Tổng Trọng vẫn để trống.

Mãi đến ngày 2-3-2018, Nguyễn Phú Trọng họp Bộ Chính trị, ra quyết định cho Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016 – 2021, "thôi giữ các chức vụ này để tiếp tục chữa bệnh dài hạn". Trần Quốc Vượng chính thức thay thế Đinh Thế Huynh, giữ chức Thường trực Ban Bí thư và Nguyễn Xuân Thắng ngồi vào ghế Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Từ ấy đến nay, hoàn toàn không có tin tức ông Huynh trị bệnh ở đâu, tiến triển điều trị ra sao, có ăn ngày hai bát cơm vẫn khỏe chứ có gì mô như Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang,… Càng bất ngờ hơn, ông Huynh xuất hiện với thần thái tráng kiện, ung dung hoàn toàn không có dấu hiệu bệnh tật.

Sự tù mù ấy buộc người ta phải tin vào lời đồn đoán, dư luận cho rằng trong Bộ Chính trị khóa 12 có bộ ba Hà Nam Ninh là Trần Đại Quang, Đinh Thế Huynh, Đinh La Thăng âm mưu đảo chánh giành ngôi Tổng Bí thư.

Ngày 5-5-2017, diễn ra Hội nghị Trung ương 5 khóa 12, Đinh La Thăng bị loại ra khỏi Bộ Chính trị, mất chức Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh. Trong 180 lá phiếu kín, có 20 Ủy viên Trung ương không tán đồng, trong số đó có ba Ủy viên Bộ Chính trị. Đinh Thế Huynh là một trong ba Ủy viên kể trên.

Tiếp sau đó, Trần Đại Quang bị bệnh lạ, Đinh La Thăng vào tù, Đinh Thế Huynh vắng bóng không thể vì sức mạnh nào khác ngoài Nguyễn Phú Trọng. Thể Cá Tra, Cường Chân Vịt về vườn và Đinh Thế Huynh bất ngờ tái xuất hiện tại văn phòng Trung ương Đảng sau 7 năm vắng bóng không thể thiếu bàn tay của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Ngược dòng thời gian xa hơn, trong đám tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ống kính truyền hình trực tiếp đã ghi nhận nụ cười bí hiểm của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Dũng là đối thủ chính trị được mệnh danh là "Đồng chí X", đã từng làm Tổng Trọng nghẹn ngào rơi lệ khi vận dụng hết 10 thành công lực vẫn không thể kỷ luật. Trong trận chiến mang tên Đại hội 12, "Đồng chí X" bại trận phải chấp nhận rời bỏ chính trường về quê làm người tử tế, vắng bóng trên sân khấu chính trị. Nụ cười trong tang lễ mang ý nghĩa gì?

Trước đó, khi Tổng Trọng ngoắc ngoải trên giường bệnh, Chủ tịch nước Tô Lâm đã dẫn đoàn cán bộ Đảng, nhà nước, chính phủ vào Nam làm việc với Lữ đoàn công binh 25 thuộc Quân khu 9.

Chẳng hiểu Lữ đoàn công binh ấy đạt thành tích lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu chi để Chủ tịch nước phải bầu đoàn thê tử đường xa ngàn dặm đến thăm. Chỉ biết rằng Cần Thơ gần với Kiên Giang quê hương người tử tế.

Chẳng bao lâu sau khi được Trung ương Đảng suy tôn kế vị, chiều 14/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào TP.HCM dự gặp mặt cán bộ công an cấp cao nghỉ hưu, nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Công an Nhân dân. Cả hai lần nam du ấy, hình ảnh đồng chí Ba X tay bắt mặt mừng, vai sánh vai Tô Lâm xuất hiện tràn lan trên báo chí, truyền hình. Tiếp theo đó là những cuộc hội họp, lễ lạc khác, cựu Thủ tướng luôn xuất hiện trên mặt báo ở vị trí ngang bằng với các đương kim tứ trụ.

Người ta nhớ ra rằng, ông Dũng từng là Thứ trưởng Bộ Công an và con đường thăng tiến của Tô Lâm cũng bắt đầu từ đó. Sau Đại hội 12 năm 2016, dù được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, nhưng phải mất đến ba năm (2019), Tô Lâm mới được thăng hàm đại tướng. Tổng Trọng thời đó còn làm điều quái vị chưa từng có, là tự cơ cấu làm đảng ủy viên Thường vụ Đảng bộ Công an do Tô Lâm làm bí thư.

Cảnh cáo Vương Đình Huệ, Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường về vườn, phục hồi danh dự cho Đinh Thế Huynh, Nguyễn Tấn Dũng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã công khai sắp lại ván cờ nhân sự chiến lược của Nguyễn Phú Trọng. Điều này cho thấy, công cuộc "đốt lò" của Trọng rõ ràng là đốt cùi rừng và nuôi củi nhà. Căn bệnh bí ẩn của Đinh Thế Huynh, Trần Đại Quang càng cho thấy bàn tay người "đốt lò" không chỉ vấy bẩn tro than mà còn có cả mùi tử khí.

Nhiều người chỉ nhìn thấy Tổng Bí thư Tô Lâm "võ biền", "công an hóa", "Hưng Yên hóa", nhưng không nhìn thấy Tô Lâm chiến lược đang thu phục nhân lực Nam kỳ, đồng bằng Bắc Bộ và cả những thế lực bị Tổng Trọng bạc đãi. Tô Lâm không chỉ có thanh đao trừng phạt của bộ máy điều tra mà còn có cả củ cà rốt ban thưởng.

Theo Gió Bấc/ RFA

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Phu nhân Tô Lâm là ai, Tô Lâm có mấy đời vợ?

Bộ quốc phòng điều tra em ruột Tô Lâm sau cuộc lật đổ Huệ và Thưởng của Bộ Công An

Tập đoàn Xuân Cầu là sân sau của Bộ trưởng Công an Tô Lâm?

Thiếu tướng Vũ Hồng Văn em vợ Tô Lâm giữ chức Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương