Báo chí quốc tế bình luận việc Tô Lâm giữ chức Tổng bí thư

Sau khi ông Tô Lâm nhậm chức tổng bí thư, nhiều trang báo quốc tế đã đưa tin về sự kiện này với những lời bình luận khác nhau.

Tờ New York Times cho rằng việc bổ nhiệm này mang lại cho ông Tô Lâm cơ hội để củng cố vị trí của mình trong nội bộ đảng trước Đại hội 14.

Trên Reuters, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu khách mời thuộc Viện ISEAS (Singapore), nhận định việc Việt Nam có tổng bí thư mới có thể là dấu hiệu cho thấy đấu đá nội bộ sẽ tạm lắng.

Sau khi ông Tô Lâm lên làm tổng bí thư hôm 3/8, lãnh đạo nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Nga, Lào và Campuchia, đã gửi điện chúc mừng.

Đánh giá với BBC News Tiếng Việt ngày 3/8, Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm tại Đại học New South Wales (Úc), cho rằng việc ông Tô Lâm nhậm chức tổng bí thư “không phải là điều bất ngờ”.

‘Tạm ngưng đấu đá nội bộ’?

Ngày 3/8, Reuters dẫn nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang về việc ông Tô Lâm nhậm chức tổng bí thư:

"Đây là dấu hiệu cho thấy sự tạm ngưng của các đấu đá nội bộ trong Đảng. Dù ông Lâm đã cam kết thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng, chiến dịch này có thể bị đình trệ bởi ông ấy có thể ưu tiên sự ổn định của hệ thống Đảng trước kỳ đại hội năm 2026.”

Giáo sư Thayer cho rằng ông Tô Lâm sẽ “đặc biệt cảnh giác” trong việc loại bỏ nhân sự không phù hợp trước Đại hội 14, cụ thể là “những ứng cử viên liên quan đến tham nhũng hoặc không đạt tiêu chuẩn của đảng.”

Trong buổi họp báo sau khi nhậm chức tổng bí thư, ông Tô Lâm cho biết sẽ tiếp tục công cuộc chống tham nhũng.

"Cá nhân tôi rất may mắn khi còn làm Bộ trưởng Công an cũng đồng thời nhận nhiệm vụ Phó ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng tiêu cực, trực tiếp tham gia lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bám sát ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nhiều năm. Do vậy tôi đã có những kinh nghiệm nhất định," ông Tô Lâm nói.

Ông Tô Lâm được cho là cánh tay phải của ông Nguyễn Phú Trọng trong chiến dịch chống tham nhũng, thường được gọi là “đốt lò”. Tuyên bố trong cuộc họp báo, ông Tô Lâm nêu phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng”.

Nhận xét về tương lai sắp tới của công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam, Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) nói với BBC ngày 3/8:

“Chiến dịch đốt lò sẽ không biến mất bởi tham nhũng vẫn là một vấn đề ở Việt Nam. Và nguyên nhân nó tiếp tục tồn tại vẫn là chính trị.

“Ông Tô Lâm đã sử dụng chiến dịch này để loại bỏ các đối thủ và tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ tiếp tục sử dụng chiến dịch này để kiểm soát các đối thủ.

“Tình hình đốt lò sẽ không trở nên gay gắt hơn, nhưng chắc chắn cũng sẽ không hạ nhiệt vào lúc này."

Tập trung quyền lực kiểu Tập Cận Bình?

Điều mà nhiều tờ báo nước ngoài quan tâm là việc liệu ông Tô Lâm có tiếp tục giữ chức chủ tịch nước.

Theo Reuters, nhiều chuyên gia nhận định rằng chức chủ tịch nước của ông Tô Lâm chỉ là một bước đệm để ngồi vào ghế tổng bí thư.

Nếu kiêm nhiệm hai chức, ông Tô Lâm sẽ có cơ hội gia tăng quyền lực và áp dụng phong cách lãnh đạo độc đoán hơn, đài Al Jazeera dẫn đánh giá của các nhà quan sát.

Al Jazeera cũng dẫn lời chuyên gia so sánh ông Tô Lâm với ông Tập Cận Bình – Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc.

Nói với BBC ngày 3/8, Giáo sư Abuza cho rằng “ông Tô Lâm rất thích trường hợp của Chủ tịch Tập Cận Bình”.

“Ông Tập Cận Bình vừa là tổng bí thư, vừa làm chủ tịch nước, đại diện hình ảnh Trung Quốc trên trường quốc tế và tôi cho rằng Tô Lâm sẽ làm điều tương tự.

“Cũng có lý luận ngoại giao trong đó, người quyền lực nhất đất nước (tức tổng bí thư) đại diện cho đất nước đó (chủ tịch nước).

"Nếu có người nào muốn kiêm nhiệm cả hai chức vụ này, đó hẳn sẽ là ông Tô Lâm. Tuy nhiên, tính lãnh đạo tập thể là rất quan trọng. Chúng ta vẫn cần phải chờ xem,” ông đánh giá.

Việc kiêm nhiệm hai chức vụ tổng bí thư và chủ tịch nước đã có tiền lệ mới đây. Sau khi cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, ông Trọng đã kiêm nhiệm hai chức vụ trong khoảng thời gian từ 2018 đến 2021.

Theo New York Times, các lãnh đạo đã từng thảo luận về việc tập trung quyền lực bằng cách nhất thể hóa vị trí chủ tịch nước và lãnh đạo đảng. Tuy nhiên, từ lâu trong đảng đã có sự đồng thuận rằng cần phải duy trì sự ổn định bằng một hệ thống chia sẻ quyền lực, cơ chế có thể giúp ngăn chặn việc trỗi dậy của một lãnh đạo thâu tóm toàn bộ quyền lực.

Nói với NikkeiAsia, ông Nguyễn Khắc Giang cho rằng nếu ông Tô Lâm từ chức chủ tịch nước, người thay thế ông sẽ “là người từ quân đội, chứ không phải một đồng nghiệp từ Bộ Công an”.

"Điều này sẽ giúp cân bằng quyền lực của Bộ Công an trong nhóm lãnh đạo cấp cao,” ông Giang nói thêm.

Hiện có năm thành viên của Bộ Chính trị xuất thân từ công an.

Reuters dẫn lời một số quan chức và nhà ngoại giao nói rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang thảo luận về việc bổ nhiệm một tân chủ tịch nước để ông Tô Lâm tập trung vào vai trò tổng bí thư.

Từ nay đến ngày Đại hội 14 diễn ra, ông Tô Lâm chỉ còn khoảng 16 tháng ngồi ghế tổng bí thư.

Khi đó, ông Tô Lâm sẽ hơn 68 tuổi. Chiếu theo quy định hiện nay về độ tuổi tái cử vào Bộ Chính trị, thì ông Tô Lâm sẽ quá tuổi vào thời điểm đó.

“Nếu ông Tô Lâm muốn tiếp tục tại nhiệm, ông sẽ phải được miễn tuổi nghỉ hưu bắt buộc là 65, có thể viện dẫn việc ông có quá trình công tác xuất sắc,” ông Thayer nói với BBC.

Khi được hỏi về vấn đề này, Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) nói với BBC ngày 3/8:

"Họ sẽ được đặc cách khi cần thiết. Và thực tế là Việt Nam không thích có sự thay đổi quá lớn. Mọi người sẽ thấy rằng vào Đại hội 14, không quá nửa số lượng ủy viên Bộ Chính trị sẽ thay đổi. Điều đó có nghĩa là sẽ có nhiều trường hợp đặc biệt.”

Hiện tại, trong 14 ủy viên Bộ Chính trị, chỉ có 6 người sẽ dưới 65 tuổi vào tháng 1/2026.

Dần ổn định?

Theo bài viết ngày 3/8 trên Financial Times, ông Tô Lâm nhậm chức tổng bí thư đúng vào thời điểm quan trọng của Việt Nam - quốc gia đang trở thành thế lực sản xuất và hưởng lợi từ chính sách của các doanh nghiệp về đa dạng hóa nguồn cung, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.

Giới đầu tư ngày càng lo ngại khi liên tiếp các quan chức cấp cao của Việt Nam mất chức mà không có lý do cụ thể.

“Tôi nghĩ rằng việc ông Tô Lâm giữ chức tổng bí thư có lợi cho môi trường đầu tư của Việt Nam. Trước đó, việc các phó thủ tướng, chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội mất chức là tín hiệu cho thấy sự bất ổn định của tình hình chính trị Việt Nam.

“Đốt lò sẽ không biến mất, nhưng nó sẽ trở nên ổn định và dễ dự đoán hơn một chút.

“Quãng thời gian trước các đại hội đảng thường sẽ yên tĩnh. Sẽ có ít quyết định và chính sách được ban hành. Đảng Cộng sản tập trung nhiều hơn vào việc chuẩn bị cho đại hội. Vậy nên thời gian tới sẽ là về nội bộ nhiều hơn,” Giáo sư Abuza chia sẻ với BBC.

Việc ông Tô Lâm giữ chức tổng bí thư được cho là phần nào cho thấy Việt Nam đang dần ổn định hơn về mặt chính trị.

Tuy nhiên, báo Financial Times cho rằng việc ông Tô Lâm trở thành tổng bí thư “có thể làm dấy lên thêm lo ngại về các quyền tự do dân sự ở Việt Nam”.

Trước đó, trong bối cảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua đời và quyền lực của ông Tô Lâm đang lên, vào ngày 31/7, ông Claudio Francavilla, đại diện của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) tại Liên minh châu Âu (EU), đã nói với đài truyền hình DW rằng “sự gia tăng quyền lực của ông Tô Lâm không phải một tin vui cho nhân quyền”.

Ông Francavilla nói thêm:

“Sự đàn áp và không hề khoan nhượng của chính phủ Việt Nam trước chỉ trích, cũng như sự thù hằn đối với các quyền dân sự và chính trị cơ bản sẽ gia tăng,” ông nói với DW.

Theo BBC Tiếng Việt




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Phu nhân Tô Lâm là ai, Tô Lâm có mấy đời vợ?

Cận vệ Chủ tịch nước Lương Cường bị bắt do lạm dụng tình dục tại Chile

Bộ quốc phòng điều tra em ruột Tô Lâm sau cuộc lật đổ Huệ và Thưởng của Bộ Công An

Tập đoàn Xuân Cầu là sân sau của Bộ trưởng Công an Tô Lâm?

Thiếu tướng Vũ Hồng Văn em vợ Tô Lâm giữ chức Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương